Ngày 19/9/2024, Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đào tạo Quản lý Trực tuyến OMT đã tổ chức Seminar giới thiệu ứng dụng nền tảng trực tuyến chấm viết tự động sử dụng AI (AI for Higher Education Writing Assessment: A joint project between OMT and The Faculty of English, ULIS VNUS). Đây là cơ hội để cán bộ giảng viên và những thầy cô quan tâm học hỏi kinh nghiệm về ứng dụng AI trong các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cũng như trong giảng dạy.
Tham dự buổi seminar, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Chủ tịch Hội đồng trường TS Đỗ Tuấn Minh; trưởng phòng Khoa học Công nghệ, TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, lãnh đạo, giảng viên Khoa Tiếng Anh, nhóm dự án cùng các giảng viên quan tâm. Về phía khách mời có bà Đậu Thúy Hà – Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo Quản lý Trực tuyến OMT, GS. Antony John Kunnan, PGS. Nguyễn Phương Thái, trưởng phòng Thí nghiệm Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên, Viện Trí tuệ Nhân tạo, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng một số đại diện đến từ các trường đại học khác.
Công ty cổ phần Đào tạo Quản lý Trực tuyến OMT là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục và đào tạo, tạo dựng hệ sinh thái giáo dục – đào tạo trên nền tảng công nghệ. OMT đã xây dựng và phát triển bộ sản phẩm, dịch vụ dành cho giáo dục gồm KidsOnline, CenterOnline, SchoolOnline và OMT Education.
Mở đầu chương trình, Trưởng khoa Tiếng Anh TS. Vũ Thị Thanh Nhã đã gửi lời cảm ơn các đại biểu tham gia sự kiện. Thông qua phần giới thiệu về dự án tích hợp AI vào chấm viết trên hệ thống LMS giữa Công ty OMT và Khoa Tiếng Anh thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ, TS. Vũ Thị Thanh Nhã hy vọng các thầy cô sẽ được trang bị thêm kiến thức sử dụng AI trong việc chấm và đánh giá bài thi viết trong các kỳ thi tiếng Anh.
Trong chương trình, TS. Nguyễn Thị Thùy Linh, giảng viên khoa Tiếng Anh, đã giới thiệu sơ lược về hệ thống KTA Online cũng như việc sử dụng AI trong chấm bài viết thông dụng hiện đang sử dụng trong các bài thi VSTEP, IELTS và VNU Tests. Việc chấm bài sẽ dựa trên các tiêu chí nhất định và điểm số nhận được sẽ đánh giá năng lực viết của người học (từ trình độ bậc 3 đến bậc 5). Ngoài việc nêu ra những điểm tích cực, TS. Nguyễn Thị Thùy Linh cũng chia sẻ những thách thức và mong muốn của giáo viên trong quá trình chấm bài viết trên hệ thống KTA.
Đối tác công nghệ OMT đã trình bày cụ thể về quy trình phát triển ứng dụng các công cụ AI mới nhất để xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên biệt và ứng dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models) trong chấm bài viết. Ngoài việc đánh giá bài viết theo đúng tiêu chí của các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh, ứng dụng này cũng đưa ra nhận xét bài viết của người học theo hướng cá nhân hóa, trong thời gian rất ngắn (dưới 30 giây/bài). Đại diện OMT cũng giới thiệu cách thức triển khai giải pháp ứng dụng AI này trên hệ thống KTA để vừa đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn của dữ liệu khi ứng dụng AI, vừa đáp ứng một số mong muốn của giáo viên về hiệu quả thời gian và chất lượng chấm bài, tiến tới đáp ứng các mong muốn khác của giáo viên, như: kiểm tra đạo văn; tích hợp tính năng phân tích dữ liệu học tập.
GS. Antony John Kunnan, học giả Fulbright hiện đang công tác tại trường và cũng là người đã tham gia phát triển hoặc triển khai các phần mềm chấm viết tự động trên thế giới như Duolingo, My Access, Write to Learn, đã chia sẻ những kinh nghiệm về ứng dụng AI trong kiểm tra đánh giá quốc tế. Những bài học này được kỳ vọng sẽ giúp các giáo viên khắc phục những hạn chế của AI và áp dụng trong việc kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh của người học một cách linh hoạt và phù hợp và mở ra các hướng nghiên cứu trong áp dụng công nghệ vào dạy học cho nhóm dự án.
Tham dự sự kiện, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ, TS. Đỗ Tuấn Minh đã nêu một số hạn chế trong quá trình sử dụng AI khi chấm bài viết trong các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh tại Việt Nam.
“Trong khi AI có thể nâng cao đáng kể hiệu quả và tính nhất quán của việc đánh giá bài viết, người chấm điểm vẫn rất cần thiết để đảm bảo sự công bằng, tính tinh tế và đánh giá phù hợp với ngữ cảnh. Phương pháp tiếp cận lai tận dụng điểm mạnh của cả AI và người chấm điểm, mang lại một hệ thống đánh giá mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn”-TS. Đỗ Tuấn Minh.
Từ các vấn đề đã nêu, TS. Đỗ Tuấn Minh bày tỏ mong muốn Khoa Tiếng Anh sẽ tiếp tục hợp tác với các bên, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng chấm bài viết khi sử dụng AI và phát triển tiếp các ứng dụng cho hoạt động dạy và học ngoại ngữ tại trường và cộng đồng.
Cuối buổi seminar là phần thảo luận giữa các giáo viên và các khách mời về việc sử dụng phần mềm hệ thống KTA.
Sự kiện kết thúc với phần trao quà và chụp ảnh lưu niệm với diễn giả và người tham gia.
Hoàng Anh/ĐSTT